Bổ sung axit folic và vitamin D, ăn uống lành mạnh hay tiêm chủng đúng lịch là những việc bạn cần nhớ để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và em bé trong quá trình mang thai.
Trước khi chào đón “thiên thần nhỏ”, bạn cần có trách nhiệm để con phát triển trong môi trường lành mạnh, nhiều dinh dưỡng. Những lời khuyên đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn luôn khỏe mạnh và an toàn trong suốt hành trình 9 tháng mang thai.
Uống bổ sung axit folic và vitamin D
Axit folic làm giảm đáng kể nguy cơ dị tật ống thần kinh của trẻ, chẳng hạn tật nứt đốt sống. Nếu bạn đang mang thai, hãy bắt đầu bổ sung 400 mcg axit folic càng sớm càng tốt cho đến cuối tam cá nguyệt đầu tiên (tuần 12 của thai kỳ). Một số người có thể cần liều lượng axit folic cao hơn nếu bị tiểu đường hoặc động kinh.
Bạn cũng nên uống bổ sung vitamin D trong khi mang thai và trong thời kỳ cho con bú. Điều này giúp bé phát triển xương, răng và cơ khỏe mạnh.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ trong khi mang thai có nghĩa là có nhiều loại thực phẩm tốt, như trái cây và rau, thịt, pho mát, khoai tây, đậu. Điều này sẽ đảm bảo bạn có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho chính bạn và thai nhi.
Nếu bạn cảm thấy mình đang gặp khó khăn trong việc tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh khi mang thai, hãy nhờ đến sự hỗ trợ của các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bà bầu có đủ năng lượng và đảm bảo dinh dưỡng cho thai nhi. Ảnh: Navbharattimes. |
Luôn vận động
Theo tạp chí Parents, vận động khi mang thai rất tốt cho bạn và thai nhi. Nó có thể giúp bạn ngủ ngon hơn, giảm lo lắng và khỏe mạnh trong suốt thai kỳ. Nếu đã hoạt động trước khi mang thai, bạn có thể tiếp tục ở mức tương tự. Tuy nhiên, bạn cần lắng nghe cơ thể và giảm tốc độ nếu bắt đầu cảm thấy khó chịu.
Nếu bạn không tập thể dục nhiều trước khi mang thai, hãy xây dựng các bài tập cho cơ thể từ từ và đặt mục tiêu 30 phút mỗi ngày. Tập thể dục không cần phải quá vất vả. Ngay cả đi bộ nhẹ nhàng cũng có lợi cho phụ nữ mang thai.
Pilates, yoga, bơi lội và đi bộ cũng là những hoạt động tuyệt vời đối với hầu hết phụ nữ mang thai nhưng hãy hỏi bác sĩ trước khi thực hiện bài tập nào.
Theo dõi chuyển động của thai nhi
Cảm nhận được thai nhi cử động là dấu hiệu cho thấy em bé khỏe mạnh. Bạn thường bắt đầu cảm thấy em bé của mình cử động khi được 18 đến 24 tuần thai kỳ. Các chuyển động có thể giống một cú xoáy hoặc rung nhẹ.
Khi quá trình mang thai của bạn tiến triển, bạn có thể cảm thấy những cú đá và cử động giật. Bạn nên thông báo cho bác sĩ nếu nhận thấy những chuyển động này chậm lại, ngừng hoặc thay đổi.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần
Sức khỏe tinh thần của bà bầu cũng quan trọng như sức khỏe thể chất khi mang thai. Mang thai là trải nghiệm đầy cảm xúc và việc thay đổi tâm trạng hoặc cảm thấy thấp thỏm theo thời gian có thể là điều bình thường.
Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn nên thông báo với bác sĩ nếu những cảm giác này không thể kiểm soát được hoặc kéo dài hơn một vài tuần. Cứ 5 phụ nữ thì có 1 người phát triển các vấn đề về sức khỏe tâm thần khi mang thai và cho đến một năm sau khi sinh. Tình trạng sức khỏe tâm thần có thể ảnh hưởng bất kỳ ai vào bất kỳ lúc nào.
Cân nhắc tiêm vaccine cần thiết
Một số loại vaccine cần thiết cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai bao gồm:
– Vaccine ngừa ho gà: Ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phát triển thành những cơn ho dữ dội. Bệnh này có thể tiến triển nặng, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh rất nhỏ. Những người mang thai được khuyến cáo nên chủng ngừa để bảo vệ em bé cho đến khi trẻ đủ tuổi để tiêm phòng lần đầu tiên.
Thời điểm tốt nhất để tiêm phòng bảo vệ thai nhi là từ tuần thứ 16 đến tuần thứ 32 của thai kỳ. Nhưng bạn có thể chủng ngừa bất cứ lúc nào từ tuần thứ 16 cho đến khi chuyển dạ. Tuy nhiên, nó có thể kém hiệu quả hơn nếu bạn tiêm sau 38 tuần.
– Vaccine ngừa cúm (từ tháng 9 đến tháng 2): Tất cả phụ nữ mang thai được khuyến cáo nên chủng ngừa bệnh cúm cho dù đang ở giai đoạn nào của thai kỳ. Điều này là do mắc cúm trong thai kỳ có thể gây ra các biến chứng, đặc biệt là trong giai đoạn sau của thai kỳ.
– Vaccine Covid-19: Những người mang thai được khuyến cáo tiêm vaccine Covid-19 càng sớm càng tốt.
Tiêm chủng sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch cho bạn và em bé trong khi mang thai. Ảnh: Themotherbabycenter. |
Nhận biết các triệu chứng “báo động đỏ”
Có một số triệu chứng bất thường ở phụ nữ mang thai cần được kiểm tra vì chúng có thể là dấu hiệu cho thấy em bé không khỏe. Điều này bao gồm:
– Chảy máu âm đạo.
– Đi tiểu đau.
– Nhức đầu dai dẳng hoặc dữ dội.
– Sưng ở mặt, tay hoặc chân.
– Nhìn mờ, có đốm trước mắt.
– Ngứa, đặc biệt là trên bàn tay hoặc bàn chân.
– Chuyển động của em bé chậm lại hoặc thay đổi.
– Tiết dịch âm đạo quá nhiều hoặc có mùi.
Phụ nữ mang thai phải luôn liên hệ với bác sĩ nếu cảm thấy có điều gì đó không ổn với chính mình hoặc em bé, ngay cả khi không biết chính xác nó là gì. Điều quan trọng là bạn phải tin vào bản năng của mình khi mang thai.