HomeMẹ & BéBé gái 9 tuổi mắc bệnh hiếm suýt phải cắt bỏ chân

Bé gái 9 tuổi mắc bệnh hiếm suýt phải cắt bỏ chân

Chân trái có khối dị dạng tĩnh mạch khiến bé A.T. đau đớn, không thể tự đi lại và đứng trước nguy cơ cắt bỏ chân nếu không kịp thời tìm ra phương án điều trị.

Căn bệnh hiếm gặp khiến bé gái suýt phải cắt bỏ chân. Ảnh: annie_spratt.

Khối dị dạng tĩnh mạch này kéo dài từ vùng đùi xuống đến cẳng chân trái của bé A.T. (9 tuổi, trú tại Gia Lai). Bé T. cùng gia đình đã trải qua 6 năm tìm cách chữa trị nhưng bất thành.

6 năm tìm cách chữa chân cho con gái

Mé bé chia sẻ: “Con sinh ra khỏe mạnh, chỉ duy nhất có 3 vết bớt nhỏ như nốt ruồi son ở sau gối và cẳng chân trái. Khi lên 3 tuổi, vết bớt ở cẳng chân của con ngày càng phồng to hơn, sờ vào thấy cứng như hạt đậu”.

Lúc này, gia đình đưa bé T. đi khám ở nhiều bệnh viện tại TP.HCM và Đà Nẵng nhưng đều kết luận bệnh nhi chỉ bị u máu lành tính nên không can thiệp, có nơi phẫu thuật nhưng không mang lại kết quả.

Đến khi bé T. lên 4 tuổi, vùng đùi bắt đầu sưng to. Bệnh nhi ngày càng đau đớn nhiều hơn, gia đình tiếp tục đưa con đi khám ở TP.HCM và được chẩn đoán dị dạng mạch máu vùng đùi và cẳng chân trái.

Bé được tiêm xơ hai lần khi 4 và 5 tuổi nhưng khi 6 tuổi, tình trạng vẫn không thuyên giảm. Lúc này, chân trái của bé T. đã bị co cứng, không thể duỗi thẳng cũng như gập hẳn lại khiến bệnh nhi không thể đi lại, chân trái cũng teo dần đi.

Năm 7 tuổi, bé đi khám lại theo lịch hẹn thì được các bác sĩ thông báo bệnh không thể chữa khỏi, chỉ có tiêm xơ nhiều lần làm xơ hóa, ngăn sự phát triển quá mức của khối dị dạng.

Sau cùng, nghe giới thiệu, gia đình quyết định cho con tới khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).

May mắn sau tuyệt vọng

Bác sĩ Lê Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp phẫu thuật cho bé A.T., cho biết bé A.T. nhập viện với chẩn đoán có khối dị dạng tĩnh mạch kéo dài từ 1/3 giữa dưới đùi đến 1/3 giữa cẳng chân trái.

Trước đó, bé đã được phẫu thuật một lần và tiêm xơ 2 lần nhưng đều không mang lại hiệu quả.

“Chúng tôi nhận thấy đây là trường hợp rất nguy hiểm, khối dị dạng phát triển ngày càng to gây chèn ép. Nếu không sớm cắt bỏ sẽ gây đau đớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của trẻ, thậm chí có thể phải cắt bỏ chân trái do khối phát triển nhanh gây tổn thương thần kinh, da, cơ xương”, bác sĩ Tuấn Anh phân tích thêm.

Sau khi hội chẩn và cho trẻ làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ khoa Chỉnh hình đã nhanh chóng phẫu thuật cắt bỏ khối dị dạng ở chân trái cho bé A.T.

be gai mac benh hiem anh 1

Căn bệnh khiến bé A.T. không thể đi lại và chân trái bị teo nhỏ hơn so với chân phải (ảnh sau phẫu thuật, khớp gối của trẻ đã có thể duỗi thẳng). Ảnh: BVCC.

Đây là cuộc phẫu thuật tương đối khó khăn do khối dị dạng mạch đã ăn đến cơ, xương và vào cả mạch máu, thần kinh ở đùi, cẳng chân của trẻ.

Các bác sĩ đã dùng kính vi phẫu để phẫu tích cắt bỏ khối dị dạng nhưng vẫn phải bảo tồn được mạch máu và thần kinh.

Sau 3,5 giờ, ekip phẫu thuật đã cắt bỏ được hoàn toàn khối dị dạng mạch máu ở vùng đùi và cẳng chân trái của trẻ mà vẫn bảo tồn được hệ thống mạch máu và thần kinh, đảm bảo chức năng của chân trái cho bé.

“Trước đây, khớp gối của trẻ bị co gấp, không thể duỗi thẳng được. Sau khi phẫu thuật, khớp gối của trẻ đã có thể duỗi thẳng. Thời gian tới, trẻ sẽ được tập vận động để có thể đi lại, học tập, vui chơi như các bạn cùng trang lứa”, bác sĩ Tuấn Anh cho hay.

Dị dạng mạch máu là sự phát triển bất thường của mạch máu trong quá trình hình thành phôi thai và sẽ đi cùng với người bệnh trong suốt cuộc đời nếu không được chữa trị.

Bệnh có nhiều thể khác nhau, được phân chia theo loại mạch máu bị thương tổn như dị dạng mao mạch, dị dạng tĩnh mạch, dị dạng động-tĩnh mạch và dị dạng mạch máu kết hợp.

Dị dạng tĩnh mạch là một loại dị dạng mạch máu thường gặp nhất với tỉ lệ lên đến 50%. Dị dạng tĩnh mạch là một khối mềm dễ ấn xuống, vị trí bị tổn thương thường có màu xanh tím, đôi khi có thể sờ thấy các nốt vôi hóa bằng tay thường được gọi là sỏi tĩnh mạch.

Các tổn thương của dị dạng tĩnh mạch có thể rất nhỏ hoặc trong thời gian dài mới phát bệnh. Dị dạng tĩnh mạch có thể hình thành ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể và gây nhiều tổn thương như:

  • Dị dạng tĩnh mạch chi sẽ làm mất cân đối hai chi
  • Dị dạng tĩnh mạch trong xương gây gãy xương bệnh lý, yếu xương
  • Dị dạng tĩnh mạch trong đường tiêu hóa dẫn đến tình trạng chảy máu mạn tính, thiếu máu, một phần của hội chứng bớt Blue Rubber Bleb
  • Dị dạng tĩnh mạch chùm (u mạch chùm)
  • Dị dạng tĩnh mạch niêm mạc gia đình gây tổn thương da hình vòm.

Mắc bệnh hiếm, thiếu nữ khốn khổ sống cảnh thực vật

Phát hiện ra căn bệnh dị dạng mạch máu não trong giai đoạn vàng điều trị nhưng không có điều kiện chạy chữa, Linh gặp một loạt biến chứng gây liệt nửa người, mù mắt và điếc tai.

Dị tật khiến tinh hoàn bé trai thay đổi hình dạng đột ngột

Căn bệnh bẩm sinh này khiến bìu của bé trai thường thay đổi kích thước đột ngột, sưng to vào ban ngày và nhỏ lại lúc ngủ.

Tin Cùng Chủ Đề

Kết Nối

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Nỗi Bật

    Chat Messenger Chat Zalo