Vitamin A là vi chất dinh dưỡng quan trọng, tham gia vào nhiều chức phận trong cơ thể. Thiếu đi vitamin này, trẻ dễ gặp nhiều vấn đề về thị lực, hệ miễn dịch kém.
Trẻ thiếu vitamin A có hệ miễn dịch yếu, thị lực kém, dễ mắc nhiều bệnh tật. Ảnh: Freepik. |
Vitamin là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống, trong đó, vitamin A giúp chúng ta duy trì đôi mắt khỏe mạnh, thị lực tốt, làn da khỏe và chống lại nhiễm trùng.
Cơ thể con người không thể tự sản xuất vitamin A nên chúng ta phải hấp thụ nó qua các thực phẩm ăn uống hàng ngày. Nếu thiếu vitamin A, theo thời gian, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng gặp nhiều vấn đề về thị lực, giảm khả năng miễn dịch, thậm chí tử vong.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 3 triệu trẻ em bị khô mắt (tổn thương mắt do thiếu vitamin A dẫn đến mù lòa) và có tới 251 triệu trẻ em bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng. Ở Việt Nam, vào những năm 80, tỷ lệ khô mắt có tổn thương giác mạc ở trẻ em trước tuổi đi học cao hơn ngưỡng của WHO 7 lần và ước tính mỗi năm, khoảng 5.000-6.000 trẻ em mù lòa do thiếu vitamin A (điều tra của Viện Dinh dưỡng, Viện Mắt).
Triệu chứng
Theo WebMD, các triệu chứng của trẻ thiếu vitamin A có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng. Một số người có thể có nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn những người khác. Dưới đây là một số triệu chứng bạn có thể gặp phải:
- Quáng gà: Trẻ gặp khó khăn khi nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu, cuối cùng sẽ dẫn đến mù hoàn toàn vào ban đêm.
- Xerophthalmia: Tình trạng này còn gọi là thoái hóa giác mạc. Mắt có thể rất khô và đóng vảy, gây hỏng giác mạc và võng mạc.
- Nhiễm trùng: Trẻ bị thiếu vitamin A có thể thường xuyên gặp phải những lo lắng về sức khỏe vì cơ thể không có khả năng miễn dịch chống lại nhiễm trùng.
- Vệt bitot (đốm mù mờ): Đây là tình trạng tích tụ chất sừng trong mắt, gây ra hiện tượng mờ mắt.
- Kích ứng da: Những người bị thiếu vitamin A có thể gặp các vấn đề về da như khô, ngứa và tróc vảy.
- Keratomalacia (chứng nhiễm giác mạc): Đây là chứng rối loạn về mắt khiến lớp giác mạc bị khô. Giác mạc là lớp trong trước mống mắt và đồng tử.
- Thấp còi: Thiếu vitamin A có thể làm chậm sự phát triển hoặc khiến trẻ không phát triển xương, còi cọc, thấp hơn bạn bè đồng trang lứa.
Trẻ thiếu vitamin A có thể chậm phát triển, trí nhớ kém, học khó vào. Ảnh: Freepik. |
Nguyên nhân
Cơ thể lấy vitamin A từ thức ăn và được dự trữ chủ yếu ở gan. Thiếu vitamin A chỉ xảy ra khi lượng vitamin A ăn vào không đủ và vitamin A dự trữ bị hết. Nguyên nhân gây thiếu vitamin A gồm:
- Khẩu phần ăn bị thiếu hụt vitamin A: Cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà phải do thức ăn cung cấp, vì vậy, nguyên nhân chính của thiếu vitamin A là ăn uống các loại thức ăn nghèo vitamin A và Caroten (tiền vitamin A). Bữa ăn thiếu mỡ cũng làm giảm hấp thu vitamin A. Bởi vitamin A tan trong chất béo. Sữa mẹ là nguồn vitamin A quan trọng của trẻ nhỏ. Trẻ không được bú mẹ rất dễ thiếu vitamin A.
- Bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng: Các bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng sau có liên quan nhiều tới thiếu vitamin A như sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp và nhiễm giun nặng, nhất là nhiễm giun đũa. Sởi gây thiếu vitamin A vì khi mắc sởi, nhu cầu vitamin A trong cơ thể tăng cao. Virus sởi tác động vào hệ thống niêm mạc, do đó rất cần vitamin A để bảo vệ. Mặt khác, sởi có thể có các biến chứng nặng có thể dẫn tới suy dinh dưỡng toàn thân. Tiêu chảy làm giảm hấp thu vitamin A ở ruột. Gần đây, các chuyên gia phát hiện cả tiêu chảy cấp tính và nhiễm khuẩn hô hấp cũng có thể gây mất vitamin A qua phân và nước tiểu. Ngoài ra, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, nhất là nhiễm giun đũa, làm khả năng hấp thu vitamin A giảm. Tẩy giun sẽ cải thiện tình trạng này.
- Suy dinh dưỡng: Trẻ em bị suy dinh dưỡng thường kèm theo thiếu vitamin A. Thiếu protein sẽ ảnh hưởng tới chuyển hóa, vận chuyển và sử dụng vitamin A trong cơ thể. Ngoài ra, thiếu một số vi chất khác như kẽm cũng ảnh hưởng tới chuyển hóa vitamin A trong cơ thể.
Vitamin A có nhiều trong các thực phẩm có màu cam. Ảnh: iStock. |
Thực phẩm nào chứa nhiều vitamin A?
Việc điều trị các dạng thiếu vitamin A nhẹ đơn giản nhất là bổ sung qua các thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày. Với những thể nặng hơn, bác sĩ có thể kê thêm vitamin bổ sung qua đường uống.
Dưới đây là những thực phẩm có lượng vitamin A dồi dào: Gan, cá, dầu cá, các loại rau có màu cam (khoai lang, bí đỏ, cà rốt và bí ngô), các loại rau lá xanh khác (rau bina, rau xanh và rau diếp), các sản phẩm từ sữa, phô mai, trái cây (loại có hàm lượng vitamin A cao nhất thường là cam – xoài chín, đu đủ, dưa đỏ, mơ)…
Vitamin A được hấp thụ dễ dàng nhất trong các phần tử chất béo trong ruột, vì vậy chúng ta có thể bổ sung các chất béo lành mạnh vào bữa ăn như dầu oliu nguyên chất, các loại hạt, quả bơ, hạt chia, dầu cải…