Không có gì xấu hổ khi cha mẹ nói lời xin lỗi với trẻ và mong muốn mọi thứ tốt hơn. Bạn cần có dũng khí để thừa nhận những việc đã làm chưa đúng và mong sự thông cảm từ con.
Sự thật đáng buồn là hầu hết cha mẹ đều cảm thấy không thoải mái khi phải xin lỗi bé. Ảnh: Vecherniy. |
Hầu hết cha mẹ thường yêu cầu trẻ phải xin lỗi anh chị em, bạn bè hoặc người lớn. Tuy nhiên, khi thực hiện những điều không đúng với trẻ, cha mẹ thường ít nói lời xin lỗi. Đôi khi, người lớn cho rằng xin lỗi sẽ làm giảm sự tôn trọng của trẻ đối với họ.
Sự thật đáng buồn là hầu hết cha mẹ đều cảm thấy không thoải mái khi phải xin lỗi bé. Cha mẹ nghĩ rằng họ luôn đúng và lo lắng rằng trẻ sẽ vì điều này phản ứng lại. Họ cũng cho rằng xin lỗi thường mang lại cảm giác xấu hổ nếu cha mẹ bị buộc phải làm điều này với trẻ.
Khi cha mẹ làm gương, những đứa trẻ sẽ học hỏi được những điều tuyệt vời:
- Mọi người đều có lúc mắc sai lầm và cha mẹ có thể cố gắng làm cho mọi thứ tốt hơn.
- Chúng ta đôi khi làm tổn thương người khác, điều quan trọng là phải thừa nhận và sửa đổi.
- Lời xin lỗi giúp cho tâm trạng mỗi cá nhân cảm thấy tốt hơn, mối quan hệ được cải thiện và hiểu nhau hơn.
Vậy khi nào cha mẹ cần xin lỗi trẻ và nên nói những gì?
Những khoảng khắc “rất tiếc” nhỏ nhưng ý nghĩa không nhỏ trong cuộc sống. Bất cứ lúc nào cha mẹ không mong muốn trẻ tiếp tục thực hiện hành vi không mong đợi, cha mẹ sẽ cân nhắc lời xin lỗi: “Rất tiếc! Xin lỗi, mẹ đã ngắt lời con”.
Vì sao khi cha mẹ đặt giới hạn – kỷ luật, lại xin lỗi trẻ. Đó là việc rất cần thiết để cha mẹ quản lý cảm xúc của chính mình, bất kể lúc đó trẻ đang làm gì. Vì vậy, lời xin lỗi xuất hiện có thể làm giảm hay triệt tiêu cảm xúc đang bao phủ lên cha mẹ thời điểm đó, trừ khi họ muốn trẻ bắt chước “cơn thịnh nộ” của chính mình.
Ví dụ, bạn có thể chia sẻ với con:
“Trước đây, mẹ khá tức giận khi con không chịu ở trên giường và mẹ đã nói lớn tiếng với con. Mẹ thực sự xin lỗi. Con không đáng bị mắng. Mẹ sẽ cố gắng giữ bình tĩnh hơn. Mẹ cần con ở trên giường vào giờ đi ngủ. Làm cách nào để mẹ có thể giúp con dễ dàng ngủ trên giường và đi vào giấc ngủ hơn?”.
Nếu trẻ nghĩ đó là một vấn đề lớn, hãy thừa nhận điều đó, ngay cả khi cha mẹ không nghĩ là như vậy: “Mẹ đã nói với con là sẽ mua cho con một cuốn sổ mới khi mẹ đến cửa hàng, sau đó mẹ hoàn toàn quên mất. Mẹ rất xin lỗi. Mẹ biết con đang trông đợi mẹ trở về nhà với cuốn sổ”.
Cha mẹ mô tả sự việc đã diễn ra: “Tất cả chúng ta đều rất khó chịu, đúng không? Con la hét. Sau đó, mẹ bắt đầu hét lên. Và con khóc. Mẹ xin lỗi nếu mẹ làm con sợ. Việc la hét không phải là cách để chúng ta yêu thương và giải quyết vấn đề”.
Những khoảng khắc “rất tiếc” nhỏ nhưng ý nghĩa không nhỏ trong cuộc sống. Ảnh: Mamazone. |
Nhiều người trong chúng ta bắt đầu xin lỗi và sau đó quay sang giải thích bảo vệ chính mình và đứa trẻ là người sai. Hơn nữa, cha mẹ là những người trưởng thành, là hình mẫu. Cha mẹ muốn con học cách bày tỏ sự tức giận của mình một cách thích hợp, bạn cần hướng dẫn cho trẻ cách thể hiện với hành vi như cách của chính cha mẹ đã thể hiện.
Bạn đưa ra lời giải thích nhưng không nên làm phai mờ lời xin lỗi tốt đẹp bằng cách bao biện cho hành vi đã xảy ra. Vì vậy, người lớn đừng nói: “Mẹ đã có một ngày tồi tệ, mọi thứ trong công việc đều diễn ra không như ý muốn. Sau đó, con làm mọi thứ ở nhà xáo trộn lên và mẹ cảm thấy thất vọng làm mẹ đã hét lớn với con. Đừng la hét, đợi cho đến khi con phải đi làm hàng ngày và sau đó con của con không bao giờ nghe lời, con cũng sẽ hét lên”.
Thay vào đó, người lớn nên nói: “Mẹ đã có một ngày tồi tệ, mọi thứ trong công việc đều diễn ra không như ý muốn. Sau đó, con làm mọi thứ xáo trộn lên và mẹ cảm thấy thất vọng, mẹ đã hét lớn với con. Nhưng đó không phải là lời giải thích. Không ai đáng bị la mắng cả. Khi chúng ta tức giận, nhiệm vụ của chúng ta là thể hiện cảm xúc của mình mà không làm tổn thương người khác bằng sự la mắng hay la hét. Mẹ xin lỗi”.
Cha mẹ không tự trách mình. Cha mẹ rất tiếc vì đã không ở đó. Việc cha mẹ thực hiện một phần trách nhiệm dù chỉ là một phần nhỏ cũng sẽ giúp trẻ bước lên và tự xin lỗi: “Mẹ rất xin lỗi vì mẹ đã không có ở đây để giúp con và em con giải quyết vấn đề này”.
Hãy thảo luận với trẻ
Trẻ sẽ học được rất nhiều điều nếu cha mẹ hỏi trẻ có thể làm gì khác vào lần tới và thảo luận về điều đó. Sau đó, bạn cùng trẻ thực hiện một cam kết: “Lần sau mẹ sẽ ngừng lại, thả lỏng và thở nhẹ nhàng để bình tĩnh”.
Nếu ai đó mà chúng ta yêu thương làm tổn thương ta nhiều lần và lần nào cũng phải xin lỗi, một bên của mối quan hệ cũng ngừng tin vào những lời xin lỗi đó. Chúng chỉ có ý nghĩa nếu hai bên thực sự sẽ cố gắng và tránh lặp lại hành vi đó.
“Chúng ta đã sẵn sàng cho một cái ôm chưa?” – đây là hành động thể hiện sự kết nối mối quan hệ và thể hiện sự cảm xúc. Hãy chờ đợi, gợi mở và thực hiện điều này khi trẻ cảm thấy sẵn sàng.
Không có gì xấu hổ khi cha mẹ nói lời xin lỗi với mong muốn mọi thứ tốt hơn. Cha mẹ cần có dũng khí để thừa nhận những việc đã làm chưa đúng và mong sự thông cảm. Nó khiến bạn trở thành những bậc cha mẹ tốt hơn và giúp nuôi dạy những đứa trẻ khỏe mạnh hơn, là người coi trọng các mối quan hệ và có thể chịu trách nhiệm.
Bài viết của chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung, Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM.