Khác với quan niệm xưa, phụ nữ ngày nay tự tin hơn khi tập luyện trong thai kỳ để vẫn giữ được sức khỏe cũng như vóc dáng sau sinh.
Việc phụ nữ mang bầu tập tạ trong thai kỳ ngày nay không còn hiếm. Ảnh: Newsweek. |
Sinh một bé trai khỏe mạnh đã được 2 tuổi, Trần Minh Trang (29 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) giờ đây vẫn tự hào chia sẻ về thời điểm cô đã chăm chỉ tập luyện trong quãng thời gian mang bầu.
“Mang thai khiến tâm trạng của tôi khi đó đôi khi bất ổn. Có những lúc, tự tôi cảm thấy bản thân dễ nóng giận, cáu với chồng hay đồng nghiệp. Khi đó, gym như đã mở lối thoát cho tôi vậy”, Trang nói.
Tập để khỏe hơn, không phải “liều”
Không chỉ về tâm lý, Trang cho biết nhờ việc chăm chỉ đến phòng tập 3 buổi mỗi tuần, thời gian mang thai của chị diễn ra khá êm đẹp.
Người mẹ trẻ kể: “Tôi gần như không gặp bất thường hay sự cố nào trong lúc bầu, kể cả những vấn đề nhỏ như cảm, sốt… Qua thăm khám định kỳ, sức khỏe của con tôi cũng được bác sĩ đánh giá là phát triển tốt trong bụng mẹ”.
Minh Trang vẫn duy trì đến phòng tập trong suốt thai kỳ. Ảnh: NVCC. |
Trước đó, chị Trang cho biết cũng đã tham khảo ý kiến của bác sĩ khoa sản và huấn luyện viên. Từ đây, người phụ nữ này chủ yếu tập luyện với cường độ từ nhẹ đến vừa, tập trung thực hiện các bài tập tác động vào vùng khớp hông, cơ trung tâm và thân dưới.
Ngoài ra, Trang cũng bổ sung vào chương trình tập một số ngày cardio nhẹ bằng phương pháp đi bộ trên máy.
Tương tự, Phạm Phương Anh (27 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) cũng duy trì thói quen tập luyện xuyên suốt thai kỳ cùng sự cho phép của bác sĩ và hướng dẫn từ chồng là huấn luyện viên.
“Tôi chỉ tạm dừng một khoảng thời gian đầu thai kỳ để bào thai ổn định. Sau khi bác sĩ đồng ý, tôi quay lại việc tập luyện khá nhanh với các động tác đơn giản”, Phương Anh kể lại.
Cô tâm sự thời điểm đó, vấn đề gây bận tâm nhất là phải làm thế nào để hạn chế nhất việc tăng mỡ, rạn da trước và sau khi sinh. Lo lắng này thậm chí khiến Phương Anh nhiều lần suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần.
Phương Anh đi tập cùng chồng ở thời điểm mang bầu (trái) và khi lấy lại vóc dáng sau sinh. Ảnh: NVCC. |
Tuy nhiên, cũng nhờ việc tích cực tập luyện, không chỉ sức khỏe thể chất, tâm lý của Phương Anh cũng tốt hơn rất nhiều.
Sau khi sinh, do vẫn duy trì được nhịp tập luyện cùng chế độ dinh dưỡng phù hợp, Phương Anh nhanh chóng lấy lại vóc dáng trước đây mà không gặp phải quá nhiều khó khăn.
“Hiện tại, thực tâm là tôi khá nhẹ lòng và hạnh phúc với ngoại hình của bản thân”, cô nói.
Không tập luyện là bỏ lỡ lợi ích với bà bầu
Trao đổi với Zing, bác sĩ Nguyễn Trọng Hùng, khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), khuyên các bà bầu không nên bỏ qua lợi ích của tập luyện. Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý phương pháp và cường độ phù hợp.
Vị chuyên gia này nêu ra một số lợi ích lớn của việc tập luyện trong thai kỳ bao gồm:
Xả stress: Thói quen tập thể dục thường xuyên giúp tâm trạng phụ nữ mang thai thoải mái hơn, giải tỏa căng thẳng – yếu tố luôn xuất hiện trong thai kỳ và gây ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ, bé.
Theo bác sĩ Hùng, tập luyện tác động tới tâm lý mẹ bầu, mang đến cảm giác dễ chịu, ngủ ngon hơn, qua đó tăng sự phát triển của bào thai.
Hạn chế táo bón: Táo bón là hiện tượng thường xuyên xảy ra ở phụ nữ mang thai. Bác sĩ Hùng giải thích: “Vận động thường xuyên giúp tăng nhu động ruột, khiến quá trình tiêu hóa tốt hơn, nhờ đó giảm đáng kể hiện tượng táo bón”.
Ngoài ra, tập thể dục làm lượng máu lưu thông tốt hơn, hạn chế tình trạng suy giãn tĩnh mạch, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ ở bà bầu.
Sẵn sàng cho thời điểm sinh con: Trong quá trình tập luyện, hệ thống cơ, xương khớp của phụ nữ khỏe mạnh và dẻo dai hơn. Đây là sự chuẩn bị tốt cho giai đoạn sinh con thường tốn rất nhiều sức lực. Đồng thời, thói quen này hạn chế tình trạng đau mỏi khớp trong thời kỳ mang thai.
Giữ dáng: Việc tập luyện mang lại khối lượng cơ bắp nhất định. Qua đó, các bà mẹ sau khi sinh có thể nhanh chóng lấy lại vóc dáng. Đồng thời, tập thể dục cũng đảm bảo lượng calo tiêu thụ, giúp chúng ta kiểm soát cân nặng.
Lưu ý khi tập luyện trong thai kỳ, BS Hùng cho hay: “Nhiều người lo ngại việc tập luyện tác động tới sức khỏe thai nhi. Tuy nhiên, chúng ta có thể tránh ảnh hưởng tiêu cực này thông qua việc lựa chọn mức độ vận động và môn thể dục phù hợp với cơ thể. Lưu ý này đặc biệt quan trọng với người có tiền sử sảy thai hoặc sinh non”.
Theo bác sĩ Hùng, phụ nữ mang thai nên cố gắng cảm nhận cơ thể trong quá trình tập luyện. Khi có dấu hiệu khó thở, chóng mặt, đau bụng hạ vị hoặc chảy máu âm đạo, bà bầu nên dừng lại và gặp bác sĩ phụ khoa để thăm khám ngay. Các dấu hiệu này có thể phản ánh cường độ tập luyện trước đó quá nặng với cơ thể.
Mặt khác, vị chuyên gia cho hay việc tập thể dục có thể kéo dài suốt quá trình mang thai nếu cơ thể người mẹ đáp ứng tốt. Tuy nhiên, mỗi thời điểm của thai kỳ, chúng ta cần thay đổi bộ môn hoặc cường độ tập luyện hợp lý
Cụ thể, trong 3 tháng đầu tiên mới mang thai, bà bầu nên lựa chọn các môn thể thao với cường độ nhẹ. Ba tháng tiếp theo, cường độ và tần suất tập luyện có thể tăng lên do bào thai đã ổn định hơn. Trong 3 tháng cuối cùng, nếu không có cảm giác đau bụng hay vấn đề bất thường, thai phụ có thể duy trì tập luyện ở mức độ nhẹ và trung bình.
Đưa ra lời khuyên dành cho bà bầu tập luyện, huấn luyện viên Hồ Khánh Thiện (Hà Nội) cho rằng yếu tố tiên quyết là thai phụ cần được kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế để đảm bảo không có vấn đề bất thường.
“Mục tiêu tập luyện trong giai đoạn mang bầu cũng tuyệt đối không ưu tiên hình thể, giảm béo… Thay vào đó, mọi người cần cố gắng đảm bảo sức khỏe mẹ và bé, sau đó mới đến tối ưu, duy trì hình thể trong, sau khi mang thai”, HLV Thiện nói.
Trong chương trình tập của phụ nữ mang thai, các bài tập nên tập trung vào nhóm cơ trung tâm (Core). Việc này giúp bà bầu giảm áp lực lên lưng dưới, từ đó hạn chế tình trạng đau mỏi thắt lưng phổ biến ở người mang thai.
HLV Thiện nhấn mạnh tần suất tập luyện với nhóm này chỉ nên là 3 buổi/tuần. Nguyên nhân là việc tập nhiều hơn có thể dẫn đến quá tải, thay đổi sinh lý và tâm lý trong quá trình mang thai. Đồng thời, các buổi tập cũng nên cách ngày để thần kinh cơ được hồi phục.
“Lịch tập cũng nên tác động tới toàn thân thay vì một nhóm cơ cụ thể. Việc này sẽ tránh máu bị tích tụ ở một khu vực trên cơ thể. Thời gian nghỉ cũng nên kéo dài hơn để giúp nhịp tim ổn định trở lại sau khi gắng sức”, huấn luyện viên này cho hay.
Cuối cùng, HLV Khánh Thiện nhấn mạnh các bà bầu trong quá trình tập nếu có bất cứ triệu chứng bất thường như chảy máu âm đạo, đau ngực, đau đầu, khó thở trước khi tập, chóng mặt, mỏi cơ rã rời, đau và sưng bắp chuối, thai nhi kém hoạt động, vỡ hoặc rỉ ối, cần dừng tập ngay.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.
> Xem thêm: Sách cho cuộc sống vui khỏe