Siêu âm thai nhi có tác dụng gì?
Siêu âm thai là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng âm để hiển thị hình ảnh thai nhi trong bụng mẹ. Quá trình siêu âm không gây đau đớn, hiện tại không ghi nhận có tác dụng phụ đối với mẹ và thai nhi nhưng mẹ bầu không nên lạm dụng mà cần phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Các chỉ định siêu âm có thể liên quan đến việc đánh giá những vấn đề sức khỏe của mẹ và bé trong thai kỳ.
Những ưu điểm của siêu âm thai có thể kể đến như:
– Xác nhận mang thai và vị trí của thai: Một số thai có thể phát triển bên ngoài tử cung, trong ống dẫn trứng. Do đó, siêu âm thai có thể giúp bác sĩ phát hiện trường hợp thai ngoài tử cung để có hướng xử lý kịp thời.
– Xác định tuổi thai: Khi biết tuổi thai, bác sĩ sẽ dự kiến ngày sinh và lên lịch, theo dõi các mốc quan trọng khác trong suốt thai kỳ.
– Xác nhận số lượng em bé: Nếu bác sĩ nghi ngờ đa thai, siêu âm được thực hiện để phát hiện số lượng thai nhi trong tử cung.
– Đánh giá sự tăng trưởng của thai nhi: Bác sĩ sử dụng siêu âm để xác định xem liệu thai nhi đang phát triển với tốc độ bình thường hay không và theo dõi chuyển động, nhịp thở và nhịp tim của thai.
– Đánh giá nhau thai và nước ối.
– Xác định dị tật bẩm sinh.
– Tìm nguyên nhân của các triệu chứng bất thường: Nếu sản phụ bị chảy máu hoặc có các biến chứng khác, siêu âm có thể giúp bác sĩ xác định nguyên nhân.
– Thực hiện các xét nghiệm khác: Bác sĩ có thể sử dụng siêu âm để hướng dẫn vị trí chọc kim trong các xét nghiệm tiền sản như chọc ối hoặc lấy mẫu lông nhung màng đệm.
– Xác định vị trí của thai trước khi sinh.
Ý nghĩa của các chỉ số trong tờ giấy siêu âm
Có rất nhiều các thuật ngữ cho biết chỉ số phát triển của thai nhi. Dưới đây là một vài thuật ngữ và chữ cái viết tắt của các chỉ số thai nhi quan trọng cho mẹ bầu tham khảo:
– GA: số tuổi của thai tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cùng.
– CRL: chiều dài đầu mông.
– BPD: đường kính lưỡng đỉnh, đường kính to nhất được đo ngang qua xương thái dương theo bề ngang.
– FL: độ dài xương đùi.
– EFW: ước tính số cân của thai nhi.
– TTD: đường kính đo ngang bụng.
– APTD: đường kính đo ở trước và phía sau bụng của thai.
– HC: chu vi của đầu thai nhi.
– AC: chu vi của vòng bụng.
– AF: nước ối.
– AFI: chỉ số nước ối.
– OFD: đường kính của xương chẩm, được đo tại mặt cắt to nhất tính từ trán ra phía sau gáy hộp sọ của bé.
– EDD: ngày sinh dự đoán.
Các mốc thời gian quan trọng để tiến hành siêu âm thai
Đi khám và siêm âm thai lần 1 (5 – 8 tuần)
– Xác định có thai, tình trạng của thai.
– Siêu âm xác định số lượng thai, vị trí túi thai (nằm trong buồng tử cung hay nằm ngoài tử cung), kiểm tra tim thai, tính tuổi thai, ngày dự sinh.
– Xét nghiệm: HIV, giang mai, Rubella, HbsAg, đường huyết, huyết đồ, nước tiểu. Điện tâm đồ.
– Ở thời điểm này nhiều mẹ bầu hiện nay cũng chọn xét nghiệm Nipt, tuy giá đắt đỏ hơn nhưng cũng giúp phát hiện những bất thường sớm hơn.
Đi khám và siêu âm thai lần 2 (11 tuần – 13 tuần 6 ngày)
– Siêu âm đo độ mờ da gáy.
– Làm xét nghiệm Double test tầm soát dị tật thai nhi.
Đi khám và siêu âm thai lần 3 (16 tuần – 22 tuần)
– Siêu âm 2D đánh giá hình thái và sự phát triển thai nhi.
– Làm xét nghiệm Tripple test (nếu chưa làm xét nghiệm Double test). Xét nghiệm này giúp chẩn đoán các vấn đề sức khỏe của thai nhi như các rối loạn về gen, dị tật ống thần kinh.
Đi khám và siêu âm thai lần 4 (22 tuần – 28 tuần)
– Theo dõi sự phát triển bất thường của thai; phát hiện những bất thường của thai nhi và mẹ.
– Siêu âm 4D đánh giá hình thái thai nhi.
– Siêu âm đánh giá độ dài cổ tử cung (trường hợp có nguy cơ sinh non).
– Tiêm phòng uốn ván lần 1.
– Thực hiện xét nghiệm dung nạp đường.
Đi khám và siêu âm thai lần 5 (28 tuần – 32 tuần)
– Kiểm tra ngôi thai.
– Siêu âm 4D đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi, vị trí nhau, tình trạng nước ối, dây rốn…
– Tiêm uốn ván lần 2 (nếu sản phụ sinh con lần đầu hoặc lần 2 sau 5 năm).
Đi khám và siêu âm thai lần 6 (32 tuần – 34 tuần)
– Siêu âm 2D theo dõi tình trạng phát triển của thai nhi, xác định ngôi thai, vị trí nhau, tình trạng nước ối, dây rốn…
– Theo dõi nhịp tim thai và cơn co tử cung bằng monitoring (Non-stress test).
Đi khám và siêu âm thai lần 7 (34 tuần – 36 tuần)
– Siêu âm 2D đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi, xác định ngôi thai, vị trí nhau, tình trạng nước ối, dây rốn…
– Tổng phân tích nước tiểu. Theo dõi nhịp tim thai và cơn co tử cung bằng monitoring (Non-stress test).
Đi khám và siêu âm thai lần 8, 9, 10 (36 tuần – 39 tuần)
– Theo dõi sự phát triển của thai nhi, phát hiện những bất thường của thai và mẹ. Hẹn tái khám 1 lần/ tuần.
– Siêu âm 2D đánh giá tình trạng của thai nhi, xác định ngôi thai, vị trí nhau, tình trạng nước ối, dây rốn,…
Đi khám và siêu âm thai sau 39 tuần
– Hẹn tái khám 3 ngày/ lần. Siêu âm 2D, siêu âm màu (nếu thai trên 40 tuần).
– Tổng phân tích nước tiểu. Theo dõi nhịp tim thai và cơn co tử cung bằng monitoring (Non-stress test).
Lưu ý: Khi có những dấu hiệu như ra huyết, nước âm đạo, đau bụng, thai máy bất thường hoặc không máy, thai phụ cần đi khám ngay.
Mẹ bầu cần lưu ý điều gì khi đi siêu âm?
Trước khi đi siêu âm mẹ bầu nên tham khảo trước cơ sở siêu âm phù hợp và thuận tiện với nơi ở hiện tại. Trước lúc tiến hành siêu âm mẹ bầu không nhất thiết phải nhịn ăn nhưng nên uống nhiều nước để bàng quang căng hơn trong trường hợp thai nhi dưới 10 tuần tuổi, từ đó giúp hình ảnh thu về được rõ nét và dễ quan sát.
Bên cạnh siêu âm, trong một số trường hợp bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm cần thiết để bao quát được tình trạng sức khoẻ của mẹ. Đối với những thai phụ mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, bệnh về huyết áp, tim mạch,… số lần thăm khám cũng như siêu âm có thể nhiều hơn bình thường vì phòng những biến chứng phức tạp có thể xảy ra trong suốt thai kỳ.
Ngoài ra để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, mẹ bầu cần lưu ý tới chế độ ăn và chăm sóc bản thân thật kỹ. Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, giữ tinh thần luôn lạc quan, thoải mái, tránh căng thẳng và chăm chỉ vận động nhẹ nhàng để hai mẹ con đều được khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.