Theo các chuyên gia, trẻ rất khó dị ứng với sữa mẹ, kể cả với thức ăn mà mẹ ăn vào.
Trẻ không dị ứng với sữa mẹ. Ảnh: Clevelandclinic. |
Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) đánh giá sữa mẹ là “siêu thực phẩm cung cấp tất cả chất dinh dưỡng, calo và chất lỏng cần thiết cho sức khỏe của trẻ”.
Bác sĩ chuyên khoa dị ứng nhi khoa Jackie Bjelac cho biết: “Chúng tôi biết việc cho con bú cung cấp dinh dưỡng tối ưu cho trẻ sơ sinh cùng một loạt lợi ích khác cho cha mẹ và trẻ. Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhiều người đặt câu hỏi những gì mẹ ăn có ảnh hưởng đến em bé không”.
Những người quan tâm đến vấn đề này thường trăn trở liệu sản phụ có nên tránh các chất gây dị ứng để chúng không chuyển sang sữa mẹ rồi ảnh hưởng đến trẻ không. Song tiến sĩ Bjelac khẳng định câu trả lời là “Không”.
Tiến sĩ Bjelac nói: “Khi cho con bú, bạn cần có chế độ ăn uống đầy đủ để sản xuất đủ sữa. Việc cắt bỏ nhiều loại thực phẩm có thể ảnh hưởng đến dinh dưỡng. Vì vậy, chúng tôi không bao giờ muốn bạn cắt bỏ thức ăn một cách không cần thiết”.
Tiến sĩ Bjelac giải thích gần như không có mối liên hệ giữa thực phẩm bạn ăn và dị ứng thực phẩm ở trẻ bú sữa mẹ.
Bé có bị dị ứng với sữa mẹ không?
Tiến sĩ Bjelac nói rằng trẻ hoàn toàn không bị dị ứng với sữa mẹ. Trong một số trường hợp cực kỳ hiếm gặp, một tỷ lệ rất nhỏ trẻ sơ sinh có thể bị dị ứng với các protein thực phẩm nhỏ đi qua sữa mẹ. Tương tự, một số ít trẻ có thể không dung nạp một số loại protein có trong sữa mẹ.
Việc cho con bú cung cấp dinh dưỡng tối ưu cho trẻ sơ sinh. Ảnh: Abm. |
Dị ứng và không dung nạp có triệu chứng khác nhau. Khuyến nghị về cách quản lý chế độ ăn uống cho hai trường hợp này cũng không giống nhau.
Các chất gây dị ứng thực phẩm có truyền qua sữa mẹ không?
Nhiều người cho con bú lo lắng thực phẩm mẹ ăn có thể ảnh hưởng đến em bé. Với lo lắng này, tiến sĩ Bjelac đưa ra hai lưu ý.
Thứ nhất, dị ứng thức ăn ở trẻ sơ sinh rất hiếm. AAP ước tính chỉ 2% đến 3% trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn có dấu hiệu dị ứng với thực phẩm. Thứ hai, sữa mẹ chứa lượng rất nhỏ protein từ thực phẩm mẹ ăn.
Từ đó, bà khẳng định thực phẩm mẹ ăn rất khó khiến trẻ dị ứng qua bú sữa. “Trẻ sơ sinh không bị dị ứng với sữa mẹ. Rất ít protein thực phẩm được truyền trực tiếp qua sữa mẹ cho em bé. Vì vậy, khả năng trẻ có phản ứng dị ứng với thứ mẹ ăn là rất nhỏ”, tiến sĩ Bjelac nhắc lại.
Việc tránh chất gây dị ứng có tác dụng không?
Câu trả lời là “Có thể” khi trẻ thuộc nhóm 2-3% bị dị ứng thực phẩm. Tuy nhiên, gia đình khó có thể biết trẻ dị ứng với loại nào cho đến khi trẻ thử ăn.
Tiến sĩ Bjelac dẫn khuyến cáo của AAP về việc cho trẻ thử một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng như đậu phộng, trứng, đậu nành và lúa mỳ khi trẻ khoảng 6 tháng tuổi. Lúc đó, cha mẹ cần quan sát các phản ứng dị ứng như sưng tấy, nổi mề đay. Trong khi đó, phụ huynh nên cho con thử sữa bò sau sinh nhật đầu tiên. Tuy nhiên, trẻ 6 tháng tuổi có thể thử các sản phẩm từ sữa như sữa chua nguyên kem, pho mát.
Song vị chuyên gia nói thêm kể cả trẻ dị ứng với loại thực phẩm nào đó, mẹ cũng không cần loại chúng khỏi chế độ ăn của mình. Họ chỉ cần làm vậy trong trường hợp trẻ có biểu hiện không dung nạp chất đó.
Các nghiên cứu cũng cho thấy ăn kiêng có thể gây bất lợi cho việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nó sẽ không giúp con bạn tránh được các chất gây dị ứng.
Phân biệt dị ứng và không dung nạp thực phẩm
Đôi khi, nhân viên y tế có thể khuyên sản phụ thay đổi chế độ ăn uống khi cho con bú. Tiến sĩ Bjelac nói rằng việc cắt giảm một số loại thực phẩm có thể có lợi cho trẻ không dung nạp thực phẩm.
Triệu chứng | Việc cần làm | |
Dị ứng thực phẩm | Nôn mửa nghiêm trọng; phát ban; sưng mặt và cổ họng; khó thở; thở khò khè. | Tiếp tục cho con bú như bình thường; không cần phải thay đổi chế độ ăn uống của mẹ; trao đổi với nhân viên y tế hoặc bác sĩ dị ứng nhi khoa về xét nghiệm dị ứng. |
Không dung nạp thực phẩm | Phân có máu; tiêu chảy; đầy hơi; đau bụng. | Trao đổi với nhân viên y tế để loại bỏ thực phẩm gây hiện tượng không dung nạp. |
Không dung nạp thực phẩm (còn gọi là nhạy cảm với thực phẩm) là hiện tượng tiêu hóa, không liên quan đến hệ miễn dịch. Nó xảy ra khi cơ thể trẻ khó phá vỡ các enzym trong loại thực phẩm cụ thể.
Trong khi đó, dị ứng thực phẩm là phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với một loại thực phẩm cụ thể. Dị ứng thực phẩm xảy ra khi cơ thể nhầm một loại thực phẩm nào đó với virus nguy hiểm. Hệ thống miễn dịch tập hợp kháng thể để tiêu diệt nó dẫn đến phản ứng dị ứng.
Dị ứng thực phẩm có thể nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Không dung nạp thực phẩm gây khó chịu cho em bé và khiến cha mẹ đau khổ, không phải là trường hợp khẩn cấp.
Nếu con bạn không dung nạp thức ăn, việc mẹ cắt giảm loại thực phẩm đó có thể có tác dụng.
Tiến sĩ Bjelac giải thích: “Lượng protein để gây ra các vấn đề tiêu hóa do không dung nạp thực phẩm rất nhỏ, ít hơn nhiều so với lượng protein cần thiết để gây ra phản ứng dị ứng. Vì vậy, trẻ không dung nạp có thể được hưởng lợi từ việc thay đổi chế độ ăn uống của mẹ”.
Các nguồn thực phẩm không dung nạp phổ biến nhất ở trẻ là đậu nành và sữa bò. Nếu được đề nghị loại sữa bò khỏi chế độ ăn uống do trẻ không dung nạp, mẹ cũng nên cắt bỏ sữa từ các động vật có vú, bao gồm cả sữa dê và sữa cừu. Các loại sữa khác như sữa dừa, sữa hạnh nhân không cần phải tránh trong hầu hết trường hợp.
Khi nào đến gặp bác sĩ?
Nếu lo lắng trẻ dị ứng thực phẩm hoặc không dung nạp, cha mẹ có thể xin tư vấn từ nhân viên y tế.
“Một số trẻ hay quấy khóc. Không phải mọi thứ đều liên quan đến những gì chúng ăn và rất ít khi liên quan đến những gì mẹ ăn. Nhưng việc hỏi ý kiến của bác sĩ có thể giúp bạn yên tâm và có công cụ để giúp con phát triển tốt nhất”, tiến sĩ Bjelac nói.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.
> Xem thêm: Sách cho cuộc sống vui khỏe