“Xin chào” và “tạm biệt” là những từ ngữ quan trọng trong giao tiếp. Nó sẽ mở ra cánh cửa kết nối mọi người với nhau và tạo tiền đề cho các cuộc gặp gỡ tiếp theo.
Một số trẻ có thể cảm thấy khó khăn khi sử dụng lời chào. Ảnh: GLN. |
Trẻ nhỏ chưa hiểu các chuẩn mực và kỹ năng xã hội. Bình thường, trẻ không cảm thấy cần phải chào hỏi người khác. Cha mẹ lo lắng con của họ không biết chào hỏi. Đôi khi, vì muốn làm hài lòng người khác nên cha mẹ đã ép trẻ phải thể hiện tình cảm hay tạo những tình huống không thoải mái trong việc chào hỏi, tạm biệt.
Bên cạnh đó, một số trẻ có thể cảm thấy khó khăn khi sử dụng lời chào. Một số trẻ tự kỷ, chậm phát triển kỹ năng ngôn ngữ và thậm chí trẻ chậm phát triển có thể gặp khó khăn khi nói “xin chào” và “tạm biệt” với người khác. Trong khi đó, sử dụng lời chào là một phần quan trọng trong quá trình tương tác với người khác để hình thành và duy trì các mối quan hệ xã hội.
Để thực hiện tốt hơn trong việc sử dụng lời chào một cách thoải mái, thân thiện, cha mẹ có thể sử dụng lời khuyên dưới đây để giúp trẻ học cách chào hỏi:
– Dạy lời chào: Dạy trẻ rằng khi gặp ai đó mà trẻ biết, trẻ nên nói với người đó “xin chào”. Khi trẻ tạm chia xa ai đó, trẻ nên nói “tạm biệt”. Hướng dẫn trẻ về các cách chào hỏi khác nhau “xin chào” và “tạm biệt” (ví dụ như “xin chào”, “hẹn gặp lại sau” và “tạm biệt”).
– Làm gương: Làm gương là cách tuyệt vời để trẻ học tập. Cha mẹ thực hiện lời chào với những người quen biết, mọi người xung quanh và sử dụng những lời nhắn gửi tạm biệt thích hợp khi cuộc gặp gỡ tạm kết thúc.
– Chơi giả vờ: Tạo tình huống giả vờ, trong đó cha mẹ và trẻ thực hành chào hỏi trong khi chơi. Ví dụ: Giả vờ cha mẹ là khách hàng trong cửa hàng của trẻ hoặc cha mẹ đang nói chuyện điện thoại với trẻ.
– Đọc sách, ca hát: Đọc sách về chủ đề sử dụng lời chào, lời tạm biệt. Sử dụng âm nhạc như một động lực tuyệt vời để giúp trẻ học các kỹ năng xã hội.
– Không than phiền trẻ ở nơi công cộng: Nếu cha mẹ giúp trẻ, hãy luôn làm điều đó một cách riêng tư, không la mắng, than phiền con ở nơi công cộng vì điều đó có thể làm bé cảm thấy bị tổn thương, không tôn trọng.
– Tôn trọng quyết định của trẻ: Nếu trẻ không muốn chào một người nào đó hoặc không muốn ôm, hôn, hãy tôn trọng cảm xúc và quyết định của chúng. Cha mẹ cũng phải dạy trẻ rằng cảm xúc và quyết định của trẻ là hợp lệ và phải được tôn trọng.
– Không nên tức giận nếu trẻ không thực hiện: Trẻ phải xem chào hỏi là một cử chỉ tốt, không phải là nghĩa vụ. Nếu trẻ không thực hiện, bạn không nên trừng phạt, khiển trách hay phê phán. Trẻ chưa sẵn sàng, cha mẹ tiếp tục ví dụ, giải thích và mỗi lần như vậy trẻ sẽ cảm nhận, tích lũy lời chỉ dẫn nhiều hơn thông qua chia sẻ và làm gương của cha mẹ.
Bài viết do chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung, Đơn vị tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM, cung cấp thông tin.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.
> Xem thêm: Sách cho cuộc sống vui khỏe