Trẻ ăn uống thiếu lành mạnh, lười vận động, thường xuyên căng thẳng có nguy cơ cao bị thừa cân, béo phì.
Béo phì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý ở trẻ nhỏ. Ảnh: Intergrishealth. |
Béo phì ở trẻ em là tình trạng bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến trẻ thời điểm hiện tại và tương lai. Căn bệnh này đặc biệt đáng lo ngại vì số cân thừa thường khiến trẻ có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề sức khỏe vốn được coi là của người lớn – tiểu đường, huyết áp cao và cholesterol cao.
Béo phì ở trẻ em cũng có thể dẫn đến lòng tự trọng kém và trầm cảm. Một trong những chiến lược tốt nhất để giảm béo phì ở trẻ em là cải thiện thói quen ăn uống và tập thể dục của cả gia đình.
Nguyên nhân
Theo Mayo Clinic, các vấn đề về lối sống – vận động quá ít, tiêu thụ quá nhiều calo từ thức ăn và đồ uống – là những nguyên nhân chính gây béo phì ở trẻ em. Ngoài ra, các yếu tố di truyền và nội tiết tố cũng có thể đóng một vai trò nào đó.
Nhiều yếu tố – thường kết hợp với nhau – làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì của trẻ nhỏ:
– Chế độ ăn uống: Thường xuyên ăn thức ăn có hàm lượng calo cao, chẳng hạn thức ăn nhanh, bánh nướng và đồ ăn vặt đóng gói, có thể khiến trẻ tăng cân. Kẹo và đồ tráng miệng cũng có thể là nguyên nhân và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đồ uống có đường, bao gồm nước hoa quả và đồ uống thể thao, là thủ phạm gây béo phì ở một số người.
– Lười vận động: Trẻ em không tập thể dục nhiều có nguy cơ cao tăng cân hơn vì quá ít calo được đốt cháy. Đặc biệt, dành thời gian quá nhiều cho các hoạt động ít vận động, như xem TV hoặc chơi trò chơi điện tử, cũng góp phần gây ra béo phì.
– Yếu tố gia đình: Nếu gia đình có nhiều người béo phì, trẻ có thể dễ bị thừa cân hơn. Điều này đặc biệt đúng trong môi trường luôn có sẵn thực phẩm giàu calo và không được khuyến khích hoạt động thể chất.
Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh và lười vận động là những yếu tố khiến trẻ tăng nguy cơ béo phì. Ảnh: Allthingshealth. |
– Yếu tố tâm lý: Căng thẳng cá nhân, cha mẹ và gia đình có thể làm tăng nguy cơ béo phì của trẻ. Một số trẻ ăn quá nhiều để đối phó với các vấn đề hoặc cảm xúc tiêu cực của mình, như căng thẳng, buồn chán.
– Một số loại thuốc kê đơn có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh béo phì. Chúng bao gồm prednisone, lithium, amitriptyline, paroxetine (Paxil), gabapentin (Neurontin, Gralise, Horizant) và propranolol (Inderal, Hemangeol).
Biến chứng do béo phì ở trẻ
Béo phì ở trẻ em thường gây ra các biến chứng về thể chất, xã hội và tình cảm. Trong đó, trẻ béo phì có thể gặp phải các biến chứng thể chất phổ biến bao gồm:
– Bệnh tiểu đường type II: Tình trạng mạn tính này ảnh hưởng đến cách cơ thể trẻ sử dụng đường (glucose). Béo phì và lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.
– Cholesterol cao và huyết áp cao: Chế độ ăn uống nghèo nàn có thể khiến con bạn phát triển một hoặc cả hai tình trạng này. Những yếu tố này có thể góp phần vào việc tích tụ các mảng bám trong động mạch, khiến động mạch thu hẹp và cứng lại, tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ sau này trong cuộc sống.
– Đau khớp: Cân nặng dư thừa gây áp lực thêm cho hông và đầu gối. Béo phì ở trẻ em có thể gây đau và đôi khi bị thương ở hông, đầu gối và lưng.
– Các vấn đề về hô hấp: Bệnh hen suyễn phổ biến hơn ở trẻ em thừa cân. Những trẻ này cũng có nhiều khả năng mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn – chứng rối loạn nghiêm trọng tiềm ẩn trong đó nhịp thở của trẻ liên tục ngừng trong khi ngủ.
– Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD): Rối loạn này, thường không có triệu chứng, gây ra các chất béo tích tụ trong gan. NAFLD có thể dẫn đến sẹo và tổn thương gan.
Về biến chứng xã hội và tình cảm, trẻ béo phì có thể bị bạn bè trêu chọc hoặc bắt nạt. Điều này khiến trẻ cảm thấy thiếu tự tin, suy giảm lòng tự trọng, thường xuyên lo lắng, tăng nguy cơ trầm cảm.
Trẻ béo phì có nguy cơ bị tiểu đường type II và nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác. Ảnh: Clinicaltrialsarena. |
Làm gì khi có con bị béo phì?
Theo Cleveland Clinic, điều quan trọng nhất cha mẹ cần làm để giúp con mình bị béo phì là tập trung vào sức khỏe chứ không phải cân nặng của chúng. Cha mẹ cũng phải hỗ trợ con trong hành trình hướng tới sức khỏe tốt hơn, cố gắng hiểu cảm nhận của trẻ về bản thân.
Nếu bạn chấp nhận con mình ở bất kỳ trọng lượng nào, chúng sẽ có nhiều khả năng cảm thấy hài lòng về bản thân hơn. Ngoài ra, bạn không nên tự đổ lỗi cho con, chính bạn hay người khác về tình trạng béo phì của con.
Bên cạnh đó, bạn nên nói chuyện nhẹ nhàng với con về cân nặng của trẻ, tuyệt đối không nói theo hướng đánh giá tiêu cực. Bạn có thể để con chia sẻ mối bận tâm, lo lắng của chúng với mình.
Cha mẹ có thể giúp con bằng cách thay đổi dần các hoạt động thể chất và thói quen ăn uống của gia đình. Bằng cách đó, cả gia đình có thể hưởng lợi từ những thói quen lành mạnh này. Có nhiều cách để cả gia đình cùng tham gia, nhưng việc tăng cường hoạt động thể chất rất quan trọng. Vì vậy, bạn nên cố gắng để trẻ có ít nhất một giờ hoạt động thể chất đều đặn mỗi ngày.