Trẻ có thể bị buồn nôn do một số nguyên nhân phổ biến như ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày ruột, một số loại thuốc, không dung nạp thực phẩm hoặc say tàu xe.
Cảm giác buồn nôn hay nôn khiến trẻ thấy khó chịu, mệt mỏi. Ảnh: Firstcryparenting. |
Buồn nôn có thể được định nghĩa là cảm giác nôn nao trong dạ dày kèm theo ý muốn nôn mửa không tự chủ. Các cơn buồn nôn ở trẻ em và thanh thiếu niên không phải là hiếm. Buồn nôn không phải là bệnh mà là một triệu chứng phức tạp của nhiều tình trạng cơ bản khác nhau và có thể được kiểm soát tại nhà đối với một số trẻ.
Nguyên nhân
Theo Momjunction, trẻ cảm thấy buồn nôn thường đi kèm với một số triệu chứng phổ biến như sốt, đau bụng, nôn mửa, chóng mặt, đau đầu, ăn không ngon, viêm họng. Một số tình trạng có thể khiến trẻ cảm thấy buồn nôn, bao gồm:
– Ngộ độc thực phẩm: Vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng như Salmonella, Shigella, E.coli, norovirus… có thể xâm nhập vào đường tiêu hóa qua thức ăn và nước bị ô nhiễm. Các tác nhân lây nhiễm này tiết ra chất độc, có thể gây ngộ độc thực phẩm. Triệu chứng phổ biến bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng và sốt.
– Viêm dạ dày ruột: Là tình trạng viêm niêm mạc ruột do mầm bệnh gây ra. Viêm dạ dày ruột do virus (cúm dạ dày) là loại viêm dạ dày ruột phổ biến do norovirus gây ra. Các triệu chứng có thể bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa, nhức đầu, sốt và ớn lạnh.
– Táo bón: Đôi khi, táo bón có thể gây buồn nôn. Ví dụ, căn bệnh di truyền được gọi là bệnh hirschsprung gây ra chứng táo bón mạn tính do ruột không có khả năng thải phân. Một tác động phụ của táo bón là sự phát triển của cảm giác buồn nôn.
– Khó tiêu (ăn quá nhiều): Ăn quá nhiều hoặc quá nhanh có thể dẫn đến chứng khó tiêu. Nó có thể gây khó chịu, buồn nôn (kèm theo hoặc không nôn), ợ hơi, ợ chua hoặc chướng bụng.
– Căng thẳng: Đau buồn về cảm xúc (lo lắng, trầm cảm hoặc căng thẳng tinh thần) có thể gây buồn nôn cơ năng (khi chưa xác định được tình trạng cơ bản) ở trẻ em và thanh thiếu niên. Các triệu chứng khác có thể bao gồm đau bụng cơ năng, da xanh xao hoặc mệt mỏi.
– Phản ứng với một số loại thực phẩm, mùi: Một số loại thực phẩm hoặc mùi mạnh có thể gây buồn nôn hoặc nôn. Ngoài ra, không dung nạp một số thực phẩm như sản phẩm làm từ sữa (không dung nạp đường lactose) có thể gây buồn nôn, đầy bụng hoặc đau bụng ở trẻ em. Say tàu xe cũng dẫn đến buồn nôn.
– Tiếp xúc với hóa chất hoặc chất độc: Các chất độc hại hoặc sản phẩm được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày như dầu đốt, rượu, một số loại mỹ phẩm, thuốc trừ sâu và sản phẩm dọn dẹp nhà cửa có thể gây ngộ độc từ nhẹ đến nghiêm trọng ở trẻ em. Một số triệu chứng phổ biến của ngộ độc bao gồm buồn nôn, nôn, đau đầu, kích ứng da và mắt…
– Thuốc: Buồn nôn do thuốc là một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc. Buồn nôn và nôn cũng có thể gây ra do hóa trị hoặc thuốc gây mê trước khi phẫu thuật.
– Chấn thương: Là chấn thương sọ não nhẹ do bị ngã hoặc bị đánh vào đầu. Một số triệu chứng của chấn thương sọ não bao gồm đau đầu, buồn nôn, mờ mắt, chóng mặt và đi lại khó khăn.
Trẻ buồn nôn thường kèm theo nhiều triệu chứng phổ biến khác như sốt, mệt mỏi. Ảnh: Vox. |
Cách xử trí
Nếu con bạn bị buồn nôn, việc tìm ra nguyên nhân chính xác có thể giúp bạn điều trị nguyên nhân cơ bản này nhanh chóng. Nhưng thường không có nguyên nhân rõ ràng khiến trẻ buồn nôn và cảm giác buồn nôn sẽ tự biến mất.
Cách tốt nhất là điều trị chứng buồn nôn bằng các biện pháp rất đơn giản. Ví dụ, đối với chứng buồn nôn liên quan dạ dày, cha mẹ hãy khuyến khích con uống nhiều nước theo từng ngụm nhỏ hoặc chất lỏng bù nước, tiêu thụ đồ ăn nhạt như bánh quy khô, bánh mì, cơm, khoai tây hoặc thạch. Trẻ lớn hơn bị buồn nôn có thể ngậm kẹo dẻo như đường lúa mạch. Điều này có thể làm dịu cổ họng và khiến trẻ không chú ý vào cảm giác buồn nôn.
Nếu trẻ buồn nôn do không dung nạp thực phẩm, bác sĩ có thể khuyến cáo một số thực phẩm nhất định cần tránh.
Trong khi đó, nếu trẻ buồn nôn khi ngồi trên xe, bạn có thể yêu cầu con:
– Nhìn thẳng về phía trước hoặc nhìn xa về đường chân trời.
– Giữ yên đầu, không quay qua lại.
– Không đọc hoặc sử dụng thiết bị điện tử.
– Mở cửa sổ và đón không khí trong lành.
Nếu con bạn phải nằm viện vì bị ốm và cảm thấy buồn nôn, chúng có thể được cho dùng các loại thuốc mạnh để điều trị. Đối với những cơn buồn nôn kéo dài, bác sĩ có thể đề xuất điều gì đó để làm con bạn mất tập trung, chẳng hạn liệu pháp âm nhạc hoặc nghệ thuật.
Khi nào nên đưa con đi khám khi bị nôn?
Cha mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ nếu cơn buồn nôn của con kéo dài hơn 24 giờ hoặc con bạn bị buồn nôn kèm theo nôn mửa; chấn thương đầu gần đây; đau bụng hoặc đầy hơi.
Trong khi đó, trẻ cần được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức nếu bị buồn nôn cộng với bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
– Nhức đầu hoặc cứng cổ.
– Khó thở hoặc sưng tấy quanh mặt hoặc miệng.
– Mờ mắt.
– Nhầm lẫn và buồn ngủ.
Nếu trẻ bị buồn nôn và bạn lo lắng rằng chúng không khỏe, tốt nhất, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra cụ thể.