HomeMẹ & BéNguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ nhỏ

Trẻ ngoáy hay xì mũi quá nhiều có thể làm vỡ mạch máu trong mũi, dẫn đến chảy máu cam. Ngoài ra, thời tiết khô, ẩm, dị ứng hay cảm lạnh thông thường cũng gây ra tình trạng này.

Chảy máu cam là tình trạng rất phổ biến ở trẻ em, đặc biệt trẻ 3-10 tuổi. Chảy máu cam xảy ra khi một mạch máu nhỏ trong niêm mạc mũi bị vỡ. Bên trong cánh mũi, các mạch máu nhỏ rất mỏng nằm sát bề mặt. Điều này có nghĩa là chúng có thể dễ dàng vỡ ra và chảy máu.

Khi trẻ chảy máu cam, máu thường chảy ít và sẽ ngừng trong vòng chưa đầy 10 phút. Mặc dù cảm giác chảy rất nhiều máu (đặc biệt là khi thấm vào khăn giấy hoặc trên quần áo), hiếm khi trẻ bị mất nhiều máu đến mức gây ra bất kỳ vấn đề nào (như thiếu máu). Chảy máu cam thường có thể được điều trị bằng sơ cứu và không cần đến bác sĩ.

Nguyên nhân gây chảy máu cam

Theo Bệnh viện Nhi Hoàng gia Melbourne (Australia), chảy máu cam ở trẻ xảy ra thường do các hoạt động vô hại như ngoáy mũi, xì mũi quá mạnh hoặc quá thường xuyên, hoặc mũi bị va chạm khi chơi đùa.

Một số nguyên nhân khác gây chảy máu cam ở trẻ có thể bao gồm:

– Các mạch máu quá nhạy cảm bị vỡ ra và chảy máu khi thời tiết khô, ấm. Khí hậu khô hoặc không khí nóng trong nhà gây kích ứng và làm khô màng mũi. Điều này khiến lớp niêm mạc có thể ngứa, sau đó chảy máu khi bị xước.

– Nhiễm trùng mũi, họng và xoang (cảm lạnh thông thường). Tình trạng này dễ gây kích ứng niêm mạc mũi, chảy máu sau khi xì mũi nhiều lần.

– Dị ứng (mạt bụi hoặc sốt cỏ khô). Ngoài ra, một số loại thuốc như thuốc kháng histamine hoặc thuốc thông mũi để kiểm soát ngứa, sổ mũi hoặc nghẹt mũi khi bị dị ứng có thể làm khô màng mũi, dẫn đến chảy máu cam.

– Dị vật trong mũi (khi trẻ nhét vật nào đó vào mũi).

– Táo bón (rặn quá mức khi đi vệ sinh).

Chay mau cam o tre anh 1

Trẻ ngoáy mũi hoặc xì mũi quá nhiều có thể làm xước niêm mạc mũi, dẫn đến chảy máu cam. Ảnh: Theasianparent.

Sơ cứu trẻ chảy máu cam

Theo Kid’s Health, chảy máu cam không gây đau. Tuy nhiên, trẻ có thể cảm thấy khác lạ và khó chịu khi nhìn thấy hay nếm phải vị của máu khi gặp tình trạng này. Lúc này, cha mẹ cần bình tĩnh và trấn an trẻ vì khóc sẽ làm tình trạng chảy máu trầm trọng hơn. Sau đó, cha mẹ hãy làm theo các hướng dẫn sơ cứu sau:

– Cho trẻ ngồi thẳng ở tư thế thoải mái và hơi cúi đầu về phía trước.

– Bóp phần dưới và mềm của mũi, dùng ngón tay ấn hai lỗ mũi vào nhau (con bạn có thể tự làm điều này nếu lớn hơn một chút). Giữ yên trong 10 phút.

– Đừng bỏ tay ra để kiểm tra xem máu ngừng chảy chưa. Máu sẽ đông lại nhưng cần thời gian. Đọc sách có thể là cách phân tâm tốt cho con bạn trong thời gian này. Chuẩn bị sẵn một chiếc đồng hồ để tính đủ thời gian 10 phút.

– Sau 10 phút, bỏ tay ra khỏi mũi và kiểm tra xem máu đã ngừng chảy chưa. Nếu trẻ vẫn tiếp tục chảy máu cam, hãy bóp chặt lỗ mũi trong 10 phút nữa.

Chay mau cam o tre anh 2

Cách sơ cứu cơ bản khi trẻ chảy máu cam. Ảnh: Rch.

Ngoài việc bóp lỗ mũi, hãy thử các cách sau:

– Nếu trẻ có thể chịu đựng được, hãy đặt một chiếc khăn mát hoặc túi chườm lên gáy khi cho con ngồi trên đùi bạn.

– Cho trẻ uống nước hoặc đồ uống lạnh để hạ nhiệt và loại bỏ vị máu. Khuyến khích trẻ khạc bỏ máu chảy từ mũi xuống miệng. Nuốt máu có thể khiến trẻ bị nôn, làm tình trạng chảy máu mũi tiếp tục hoặc trầm trọng hơn.

Khi nào đến gặp bác sĩ?

Nếu sau khi cố gắng sơ cứu mà máu vẫn tiếp tục chảy, cha mẹ nên đưa con đến bác sĩ hoặc phòng cấp cứu bệnh viện gần nhất. Bác sĩ sẽ soi vào mũi trẻ để kiểm tra mạch máu có đang chảy hay không. Khi đó, bác sĩ có thể bôi kem hoặc thuốc mỡ có chứa thuốc đặc biệt để làm chậm lưu lượng máu vào bên trong mũi của trẻ.

Trẻ cũng có thể được kê kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn trong mũi. Đối với chảy máu cam nghiêm trọng, con bạn có thể cần phải xét nghiệm máu để kiểm tra lượng máu đã mất.

Ngoài ra, một số dấu hiệu bất thường cha mẹ cần chú ý để đưa trẻ đến bác sĩ bao gồm: Con chảy máu cam thường xuyên trong khoảng thời gian vài tuần; chảy máu cam và da dễ bầm tím ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể; da nhợt nhạt hoặc tiền sử gia đình bị rối loạn chảy máu.

Cách bổ sung vitamin D cho trẻ em

Thiếu vitamin D có thể dẫn đến biến chứng như còi xương ở trẻ em và đau xương do tình trạng nhuyễn xương ở người lớn.

Tin Cùng Chủ Đề

Kết Nối

    Đăng ký nhận tin

    Đăng ký nhận các chương trình khuyến mãi và mẫu thử từ các nhãn hàng

    Nỗi Bật

    Chat Messenger Chat Zalo